Người dân có quyền nghi ngờ Bộ Y tế ém dịch sởi!
Người dân đang hoang mang với dịch sởi khi con số mới nhất được cập nhật đến ngày 15/4 đã có 108 trẻ tử vong do sởi và bệnh lý liên quan đến sởi. Những thông tin cảnh báo về dịch sởi được phát đi khá muộn màng khi dịch đã lên đến đỉnh. Dư luận nghi ngờ Bộ Y tế ém dịch.
Báo Infonet đã có cuộc trao đổi với TS Trần Tuấn, chuyên gia về y tế cộng đồng và dịch tễ ,về tình hình dịch sởi hiện nay và cách “ứng xử” với sởi của Bộ Y tế.
Thưa ông, tình hình dịch sởi năm nay diễn ra phức tạp khi số ca biến chứng do sởi tăng cao. Mỗi ngày có hàng chục trẻ nhập viện cấp cứu vì suy hô hấp do vi rút sởi tấn công vào phổi. Ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch?
TS Trần Tuấn: Thực ra là muốn đánh giá tình hình mùa dịch chúng ta căn cứ trên 2 cái, thứ nhất là quan sát thông thường của người đang trực tiếp hành nghề. Điều này đã có vì thực tế theo đánh giá của Bệnh viện Nhi trung ương đúng là năm nay có dịch sởi xảy ra và so với các năm trước là nghiêm trọng hơn.
Nhưng nhìn về khoa học là phải căn cứ trên số liệu của hệ thống giám sát tình hình dịch mà muốn có điều đó thì phải có số liệu so sánh trong các năm.
Khi tôi nghe qua các báo cáo số liệu Bộ Y tế vẫn cho rằng chưa thể công bố dịch vì số chết thấp. Nhưng chính thông tin mới đây nhất là khi trực tiếp xuống các bệnh viện thì thấy số mắc không phải như báo cáo trước mà gấp 4,5 lần, chưa kể chết vì gia đình xin về.
Vậy có thể nói đứng ở số liệu khoa học có thể nhận định số liệu dịch cho đến nay chưa có một cơ quan nào giải phóng ra chính xác mà chỉ có thể căn cứ vào tình hình các cơ sở thực hành. Nếu xuống trực tiếp các bệnh viện chúng ta thấy rằng số liệu tăng vọt lên so với các năm và số bệnh nhi chết vượt xa số mà Bộ Y tế đang báo cáo.
Trên thực tế các chuyên gia y tế cho rằng cần công bố, trong khi Bộ Y tế cho rằng chỉ ở Hà Nội quá tải các địa phương khác vẫn kiểm soát được và chỉ công bố dịch khi có 2 tỉnh thành công bố. Như vậy, ông nghĩ sao khi dư luận cho rằng phải chăng Bộ Y tế vẫn ém dịch, chưa muốn công bố?
TS Trần Tuấn: Trước hết chúng ta thấy rằng bản thân dịch sởi là dịch lây truyền nhanh, là bệnh có thể phòng chống được nhờ tiêm chủng và thực tế chúng ta đã có mấy chục năm làm về tiêm chủng.
Khi có dịch sởi xảy ra các hoạt động phòng chống dịch và việc thông báo dịch có nguy cơ gia tăng là điều cần thiết và dường như là bắt buộc trong tất cả các dịch.
Khi dịch xảy ra đối với các bệnh đã có vắc xin phòng chống như sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván, nếu xảy ra tình huống bất thường, tăng so với các năm trước, có thông tin thực tế từ các bệnh viện, theo tôi, cần công khai và thông báo về các nơi có liên quan để thực hiện việc phòng chống dịch.
Dịch sởi từ thực tế điều trị và số liệu bị vênh
Việc phòng chống đơn giản nhất là dịch sởi lây theo đường hô hấp, đường tiếp xúc nên các môi trường đông đúc là phải tránh ngay. Vi rút sởi xảy ra nặng trên trẻ ốm yếu nên các môi trường bệnh viện phải có biện pháp phòng chống, tuyên truyền cho các ông bố bà mẹ tránh những nơi đưa con mình đến những nơi như vậy.
Phải tổ chức lại các phòng khám bệnh và giường bệnh, làm sao để ngăn chặn ngay tình trạng lây nhiễm trực tiếp từ bệnh nhân sởi.
Chính vì điều đó, tôi nghĩ, việc thông báo dịch luôn luôn là cần thiết.
Nguyên GĐ BV Nhi Trung ương cũng cho rằng cần công bố dịch, người dân đang rất hoang mang về dịch sởi và nghi ngờ Bộ Y tế đang ém dịch. Việc Bộ Y tế càng úp mở số liệu về dịch càng khiến người dân lo lắng. Xin ông cho biết nguy hiểm của việc ém dịch như thế nào?
TS Trần Tuấn: Người dân nghi ngờ có lý do của họ. Trước hết nhìn vào thực tế chúng ta thấy cần phải có hệ thống giám sát dịch và ghi nhận thông tin trường hợp mắc một cách hệ thống.
Cần có số liệu cơ sở giữa các năm và chỉ ra rằng khi nào tăng, năm trước so với năm sau như thế nào và giới hạn nào coi là dịch. Vấn đề này trong nhiều năm qua ngành y tế không giải phóng thông tin đó.
Lẽ ra hàng năm phải có báo cáo tình hình dịch phổ biến cho tất cả người dân, quốc hội và truyền thông nhưng riêng trường hợp này (dịch sởi) lúc báo cáo 25, lúc lên 108 người tử vong. Thậm chí lãnh đạo của BV Nhi TƯ nói rằng cần coi có dịch đi. Nhưng Bộ Y tế vẫn quả quyết kiểm soát được.
Cho đến lúc này, tôi cho rằng Bộ Y tế cần có cái nhìn khách quan thừa nhận rằng các số liệu cập nhật của Bộ Y tế khi theo dõi dịch là chênh với thực tế khá xa. Điều đó nói rằng người dân có quyền nghi ngờ với Bộ Y tế về vụ dịch sởi này.
TS Trần Tuấn cho biết việc Bộ Y tế không đồng nhất số liệu dễ làm cho dư luận nghi ngờ
Nhiều bệnh nhi mắc sởi bị lây chéo ở trong bệnh viện khi vào điều trị các bệnh khác, ông đánh giá về công tác đảm bảo nhiễm trùng bệnh viện ở Việt Nam như thế nào?
TS Trần Tuấn: Việc lây chéo như thế sẽ xảy ra ở tình trạng đông đúc, quá tải như thế nó thể hiện hai vấn đề. Thứ nhất là vấn đề quản lý hệ thống BV của chúng ta không đáp ứng và cảnh báo ngay vấn đề này.
Ngay cả BV Nhi TƯ cũng vậy, khi có dịch thì phải thông báo khẩn cấp, lớn tiếng để các nơi khác không đổ dồn về và có các biện pháp phòng chống lây chéo. Trong trường hợp này, tôi thấy BV Nhi TƯ đã bị động với dịch sởi khi bệnh nhân đổ dồn về.
Thứ hai, chính về chúng ta không có các biện pháp khẩn cấp để thông báo cho người dân, nêu lên các nguyên tắc phòng chống cơ bản trong đó có nguyên tắc đừng đưa con, em mình đến nơi hiện nay có sởi tập trung, những ca gây lây nhiễm phải tránh xa.
Chúng ta đều biết bệnh sởi là bệnh lành tính, trước đây, các cụ có khả năng trị liệu về cơ bản là trị liệu tại nhà. Chỉ có ít trường hợp là trẻ suy dinh dưỡng, trẻ có bệnh lý khác nó phối hợp mới bị nặng thêm. Bệnh sởi theo thời gian tự lành. Như vậy đại đa số trường hợp sởi về nguyên tắc phải được điều trị tại nhà.
Chúng ta để phụ huynh lo lắng quá rồi đến bệnh viện gây lây chéo thì đó là cách giải quyết dịch của chúng ta chưa tốt.